Liệu pháp tế bào đang trở thành một ngành công nghiệp
NDO - Ông Phạm Văn Phúc, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ, liệu pháp tế bào đang trở thành một ngành công nghiệp; các sản phẩm tế bào và từ tế bào đang mở ra một ngành công nghiệp mới, dùng tế bào không chỉ để trị bệnh mà còn để tăng cường sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Y tế phát biểu tại diễn đàn.
Sáng 1/10, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 - Techconnect and Innovation Vietnam 2024, diễn đàn công nghệ ngành y tế thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia đầu ngành trong ngành y tế. Diễn đàn tập trung vào hai chủ đề chính là “Công nghệ sinh học phục vụ phát triển ngành y tế” và “Chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế”.
Để liệu pháp tế bào thật sự mang lại lợi ích cho nhiều người
Một trong những nội dung được quan tâm tại diễn đàn, chính là liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec về liệu pháp tế bào nan y là một cuộc cách mạng trong y học.
Theo vị giáo sư này, hiện các bệnh được phép điều trị bằng tế bào gốc là xơ gan, teo mật, chấn thương tủy sống, thoái hóa khớp gối và hiện đang nghiên cứu tế bào gốc điều trị đột quỵ, chấn thương sọ não, tự kỷ, bại não…; liệu pháp CAR-T điều trị ung thư huyết học.
Chia sẻ về những trường hợp được kéo dài sự sống nhờ liệu pháp CAR-T, ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, liệu pháp tế bào gốc hiện đang mang lại những tín hiệu tích cực trong can thiệp cho nhiều người bệnh không may mắc các bệnh nan y.
Bệnh viện Phổi Trung ương cũng vừa tiến hành thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào gốc trung mô trên một số bệnh như: Nhồi máu cơ tim, thoái hóa khớp, xơ gan; bệnh lý tự miễn; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bệnh phổi mô kẽ (ILD). Đây là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước có tên ''Ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính'' được thực hiện bởi các đơn vị gồm Học viện Quân y - Bệnh viện 103 và Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh.
Liệu pháp tế bào đang trở thành một ngành công nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Bình, Khoa Trị liệu Tế bào, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, 3-4% người trưởng thành có bệnh lý phổi mãn tính và có nhiều hạn chế trong điều trị cho bệnh nhân cao tuổi. Thử nghiệm ghép tế bào gốc trung mô giúp cho bệnh nhân COPD có các chỉ số viêm được cải thiện. Trong phòng thí nghiệm, ngân hàng mô, các thực nghiệm đánh giá khả năng kháng khuẩn trên tế bào cho thấy tế bào gốc trung mô có tác dụng làm giảm áp lực động mạch phổi cho người phổi mãn tính.
“Bệnh viện Phổi Trung ương đã và đang hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất, nhân sự hướng tới sẵn sàng triển khai nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị bệnh phổi mạn tính tại bệnh viện theo định hướng của Chính phủ và Bộ y tế”, Tiến sĩ Bình nói.
Ông Phạm Văn Phúc, Viện tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, liệu pháp tế bào là một trong bốn trụ cột chăm sóc sức khỏe nhưng dường như đang bị khuyết. “Điều trị bằng tế bào gốc hiện chưa phổ biến vì chi phí điều trị cao, hiệu quả điều trị không ổn định, nhiều cơ chế chưa sáng tỏ và tác dụng lâu dài chưa kiểm soát”, ông Phúc chia sẻ.
Vì thế, theo ông Phúc, mục tiêu chung của đổi mới sáng tạo công nghệ tế bào hiện nay cần có chi phí điều trị tế bào hợp lý và hiệu quả điều trị ổn định. Muốn thế, chúng ta cần phải sản xuất tế bào quy mô lớn, có chất lượng, có khả năng tái lập cao, thất bại thấp.
Ông Phúc chia sẻ, để liệu pháp tế bào thật sự mang lại lợi ích cho nhiều người thì cần bắt buộc đổi mới sáng tạo công nghệ tế bào, để tăng giá trị và giảm giá bán liệu pháp.
“Liệu pháp tế bào đang trở thành một ngành công nghiệp, các sản phẩm tế bào và từ tế bào đang mở ra một ngành công nghiệp mới, dùng tế bào không chỉ để trị bệnh mà còn để tăng cường sức khỏe. Tế bào cần được kiểm soát và bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn cho từng ứng dụng để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng trên người”, ông Phúc nói.
Là một trong ba đơn vị nghiên cứu về Công nghệ tế bào được Bộ Y tế mời tham gia sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024), ông Nguyễn Hải Nam, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Tế bào Mescells chia sẻ, diễn đàn tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị, các doanh nghiệp làm về công nghệ nói chung và các doanh nghiệp làm về công nghệ y tế nói riêng có cơ hội được giới thiệu, chia sẻ về công nghệ mình đang triển khai.
Theo ông Nam, trong những năm gần đây, công nghệ tế bào là một trong những công nghệ phát triển. Thông qua diễn đàn “Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế”, Mescells sẽ tiếp tục củng cố vai trò của mình trong việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới trong ngành y tế diễn ra hiệu quả và thành công, góp phần hiện thực hóa mục tiêu "phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Nhiều đổi mới sáng tạo giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Y tế cho biết, công nghệ sinh học và chuyển đổi số được xem là các thành tố quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực phòng bệnh.
Theo đó, hiện công nghệ sản xuất vaccine trong nước đã đáp ứng được 11/12 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các vaccine mới tiếp tục được nghiên cứu thay thế và cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Công nghệ ghép tạng đạt nhiều thành công, nhiều bệnh viện đã thực hiện thường quy hầu hết các kỹ thuật ghép mô, tạng quan trọng. Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới.
Các công nghệ sinh học phân tử được ứng dụng đã góp phần xác định nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh phục vụ công tác phòng chống hiệu quả các bệnh, dịch nguy hiểm. Tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme. Phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền. Nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Một số công nghệ bào chế mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất công nghiệp dược như công nghệ micro và nano, công nghệ bào chế giải phóng biến đổi, công nghệ bào chế giải phóng tại đích và một số công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng độ ổn định, tăng sinh khả dụng, tăng tác dụng điều trị, giảm tác dụng không mong muốn của thuốc để ứng dụng vào sản xuất các loại thuốc chất lượng cao, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, tăng khả năng tiếp cận cho người dân…
Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức đánh giá cao các diễn giả đã chia sẻ các nội dung rất quan trọng về ứng dụng công nghệ sinh học trong y học, liệu pháp tế bào, ứng dụng tế bào gốc, nghiên cứu nguồn gene dược liệu, công nghệ in 3D cá thể hóa; chuyển đổi số, dữ liệu mở trong ngành y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kỹ thuật số trong kinh doanh dược phẩm.
Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung vào các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Sự kiện thu hút khoảng 2.500-3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000-10.000 người tham dự trực tuyến cùng 200 gian trình diễn công nghệ. |
*** Nguồn: nhandan.vn