VIỆN NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TẾ BÀO 幹細胞応用研究所
0866022097

Tế bào NK kết hợp với kháng thể đặc hiệu kép có tiềm năng chống lại khối u ở ung thư hạch

Nội dung bài viết

(theo Medical News)

Một nghiên cứu tiền lâm sàng mới tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (một trong những bệnh viện hàng đầu thế giới về ung thư) cho thấy tế bào NK (Natural killer cell - tế bào tiêu diệt tự nhiên) có nguồn gốc từ máu dây rốn hiến tặng được kích hoạt kết hợp với kháng thể đặc hiệu kép AFM 13 (tương tác với CD16a và CD30), cho thấy hoạt tính chống khối u mạnh mẽ đối với các tế bào ung thư hạch CD30+. Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu ung thư lâm sàng (Clinical Cancer Research) của Hiệp hội nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (AACC). Từ các kết quả thu được, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đã được khởi động để đánh giá sự kết hợp giữa tế bào NK có nguồn gốc máu dây rốn (cbNK) với AFM13 như là một liệu pháp miễn dịch đối với các bệnh nhân ung thư hạch (tế bào lymphoma)

te-bao-nk-va-khang-the-dac-hieu-kep-1

Hệ bạch huyết trong cơ thể 

Giáo sư, Tiến sĩ về Cấy ghép tế bào gốc và Liệu pháp Tế bào - Katy Rezvani cho biết: “Phát triển các liệu pháp tế bào NK mới là ưu tiên hàng đầu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson nhằm giải quyết các hạn chế trong phác đồ thường quy khi điều trị các bệnh ung thư máu và ung thư khối đặc. Công trình tiền lâm sàng này đã đưa ra giải pháp trộn tế bào NK với AFM 13 và cho thấy chúng có thể loại bỏ hiệu quả các tế bào ung thư hạch biểu hiện CD30, đảm bảo các kết quả khả quan ở các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo."

Tế bào NK là một phần của hệ thống miễn dịch bẩm sinh, tự động phát hiện và tiêu diệt các tế bào “lạ” đặc biệt là tế bào ung thư trong cơ thể. Rào cản lớn nhất là khả năng tồn tại (chu kỳ sống) của chúng bị giới hạn và các khối u có thể phát triển các cơ chế để trốn tránh tế bào NK. Do đó, nhóm nghiên cứu của TS. Rezvani đã làm việc để phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả chống khối u của loại tế bào này.

Kháng thể AFM 13 của hãng Affimed là một kháng thể đặc hiệu kép được thiết kế để liên kết với phân tử CD16a trên tế bào NK và phân tử CD30 trên tế bào ung thư hạch. Các nghiên cứu ban đầu trên tế bào NK phân lập từ máu của bệnh nhân ung thư hạch Hodgkin tạo thành một phức hợp bền vững với AFM 13 và có thể tiêu diệt tế bào biểu hiện CD30. Tuy nhiên, số lượng của các tế bào này không nhiều nên các nhà nghiên cứu phải tìm các nguồn tế bào NK thay thế.

Các thí nghiệm sâu hơn cho thấy rằng các tế bào cbNK từ Ngân hàng Máu dây rốn MD Anderson khi kết hợp với AFM 13 có hoạt động ổn định và tăng khả năng chống lại ung thư hạch so với các nguồn tế bào NK khác. Các nhà nghiên cứu có thể làm tăng hoạt động miễn dịch chống khối u của các tế bào cbNK bằng cách kích hoạt chúng với các cytokine IL-12/15/18.

Trong các mô hình động vật, tế bào cbNK được kích hoạt và tăng sinh, sau đó tạo phức với AFM13 có thể kiểm soát khối u và cho tỉ lệ sống sót cao so với lô đối đối chứng. Một điều đáng mừng là liệu pháp này mang lại tia hy vọng trong điều trị ung thư mà ít tác dụng phụ.

“Những phát hiện này cho thấy rằng, trong các mô hình động vật, tế bào cbNK tạo phức với AFM13 có thể loại bỏ các tế bào ung thư hạch CD30+ một cách an toàn,” Rezvani nói. "Chúng tôi mong muốn tìm hiểu xem liệu pháp này có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư hạch giai đoạn cuối trong thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra hay không."

te-bao-nk-va-khang-the-dac-hieu-kep-2
Trung tâm Ung thư MD Anderson - Hoa Kỳ

Kết quả tạm thời trên ba bệnh nhân từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đã được Rezvani trình bày tại Hội nghị thường niên năm 2021 của AACC. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành.

----------------------------------------------------------------------------
Để tìm hiểu thêm về kiến thức, vui lòng liên hệ với Mescells:
Văn phòng đại diện Nhật Bản: 〒175-0094 Tokyo, Itabashi ku, Narimasu 5-6-15
Hotline: 0936 588 688
Email: institute@mescells.com

Chủ đề:

Các tin khác

Đăng ký nhận tin 情報を受け取るために購読する