VIỆN NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TẾ BÀO 幹細胞応用研究所
0866022097

Tìm hiểu về hệ miễn dịch

Nội dung bài viết

Khái nhiệm hệ miễn dịch

Hệ thống miễn dịch (immune system) rất cần thiết cho sự tồn tại của sinh vật nói chung và cơ thể con người nói riêng. Nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ bị tấn công từ các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm và các độc tố…. Như vậy hệ miễn dịch có thể được hiểu là cơ chế phòng thủ của cơ thể, giữ cho chúng ta sự cân bằng và khỏe mạnh khi hàng ngày tiếp xúc với vô vàn các mầm bệnh.

he-mien-dich-cua-co-the

Nhiệm vụ - vai trò của hệ miễn dịch

Không có hệ miễn dịch, cơ thể không có cách để chiến đấu với những yếu tố có hại xuất hiện bên ngoài hay bên trong. Nhiệm vụ chính của hệ miễn dịch là chống lại các mầm bệnh và loại bỏ chúng. Hệ miễn dịch cũng nhận biết, trung hòa những chất độc từ môi trường và những thay đổi bất thường ngay bên trong cơ thể như sự xuất hiện của các tế bào ác tính. 

Thành phần của hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch được tạo thành từ các phân tử đặc biệt, tế bào và các mô - cơ quan. Một số thành phần chính của hệ thống miễn dịch có thể kể đến như kháng thể, hệ thống bổ thể, các tế bào miễn dịch, hệ thống bạch huyết, lá lách, tuyến ức, tủy xương …

Kháng thể (antibody)

Kháng thể giúp cơ thể chống lại các tác nhân được cơ thể coi là “lạ”, “không phải của bản thân” gọi là các kháng nguyên. Các kháng nguyên thường là các phân tử protein trên bề mặt của vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm và các chất mà mầm bệnh tạo ra. Các kháng thể liên kết đặc hiệu với các kháng nguyên (mỗi kháng nguyên có các kháng thể đặc trưng) và tiêu diệt chúng, cùng với sự trợ giúp của các tế bào và phân tử khác. 

Hệ thống bổ thể (complement system)

Hệ thống bổ thể là một phần của hệ thống miễn dịch giúp tăng cường khả năng của các kháng thể và tế bào thực bào để loại bỏ các tế bào lạ, tế bào bị tổn thương. Hệ thống bổ thể thúc đẩy quá trình viêm và tấn công lên màng của mầm bệnh.

Tế bào miễn dịch (immune cells)

Tế bào miễn dịch là thành phần bạch cầu trong máu. Chúng được tạo ra trong tủy xương và là một phần của hệ bạch huyết. Các bạch cầu di chuyển khắp cơ thể theo đường máu tới các mô – cơ quan, tìm kiếm những tác nhân bên ngoài xâm nhập. Khi tìm thấy, chúng sẽ phát động một cuộc tấn công miễn dịch. Các bạch cầu bao gồm các tế bào lympho (tế bào B, tế bào T, tế bào NK) và nhiều loại tế bào miễn dịch khác (đại thực bào, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái kiềm, bạch cầu ái toàn, tế bào đuôi gai…).

te-bao-mien-dich-2

Hệ thống bạch huyết (lymphatic system)

Hệ thống bạch huyết là một mạng lưới các mô, mạch và các cơ quan làm việc cùng nhau để di chuyển chất lỏng không màu gọi là bạch huyết. Chức năng của hệ bạch huyết là kiểm soát dịch thể, hấp thụ môt số chất béo, chống lại sự xâm nhập của kháng nguyên, vận chuyển các tế bào bất thường và chất thải khỏi các mô – cơ quan. 

Lá lách (spleen)

Lá lách nằm dưới lồng ngực và phía trên dạ dày, góc phía trên bên trái của bụng. Lá lách mềm và thường có màu tím. Nó được tạo thành từ hai loại mô khác nhau. Mô tủy đỏ có chức năng lọc máu và loại bỏ các hồng cầu già hoặc bị hư hỏng. Mô tủy trắng bao gồm các tế bào miễn dịch (tế bào T và tế bào B) có chức năng giúp cơ thể chống lại sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh.

Tuyến ức (thymus)

Tuyến ức là một cơ quan nhỏ nằm sau xương ức và phía trước tim, có chức năng quan trọng đối với cả hệ thống miễn dịch và hệ thống nội tiết. Tuyến ức là nơi tạo ra các tế bào T đi khắp cơ thể giúp chống lại sự lây nhiễm. Đây cũng là cơ quan tạo ra hormone (thymulin) thúc đẩy sự trưởng thành và tăng sinh của các tế bào T từ các tế bào tiền thân. Tuyến ức phát triển và hoạt động mạnh cho tới tuổi dậy thì. Sau thời gian này, sự thoái hóa bắt đầu xảy ra: vỏ mỏng dần, mô mỡ xâm chiếm vùng nhu mô, giảm sự sản xuất tế bào T….

Tủy xương (bone marrow)

Tủy xương là mô xốp mềm được tìm thấy bên trong của hầu hết các xương. Có hai loại tủy xương: đỏ và vàng. Tủy xương đỏ chứa các tế bào gốc máu có thể trở thành: hồng cầu (vận chuyển oxy), bạch cầu (các tế bào miễn dịch) và các tiểu cầu (cần thiết cho quá trình đông máu). Tủy xương vàng có thành phần chủ yếu là chất béo, chứa các tế bào gốc trung mô có thể biệt hóa thành tế bào sụn, mỡ hoặc xương. 

Hoạt động của hệ miễn dịch và các kiểu miễn dịch

Khi cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch hoạt động một cách thầm lặng khiến chúng ta không nhận ra được sự tồn tại của nó. Một khi có sự xâm nhập của các tác nhân lạ (kháng nguyên), hệ miễn dịch được kích hoạt. Khởi đầu của sự kích hoạt là khi các kháng nguyên được nhận biết bởi các thụ thể của các tế bào miễn dịch. Sau đó một loạt các phản ứng và quá trình xảy ra theo chuỗi được gọi là đáp ứng miễn dịch. 

dap-ung-mien-dich-te-bao

Có 3 kiểu miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật: miễn dịch bẩm sinh (sự phản ứng tự nhiên của cơ thể), miễn dịch thu được (sự thích ứng của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh cụ thể) và miễn dịch thụ động. 

Miễn dịch bẩm sinh

Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên, có tính chất không đặc hiệu, nghĩa là mọi phản ứng đều giống nhau đối với tất cả các mầm bệnh bất kể chúng có khác nhau như thế nào. Miễn dịch bẩm sinh bao gồm hàng rào vật lí như da, nước bọt… và hàng rào tế bào như đại thực bào, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái kiềm, tế bào mast… Các thành phần này luôn trong trạng thái “sẵn sàng hoạt động” và bảo vệ cơ thể ngay khi mầm bệnh xâm nhập. Trong một số trường hợp, cơ chế miễn dịch không đặc hiệu đủ để loại bỏ mầm bệnh. Tuy nhiên khi tuyến phòng thủ đầu tiên trở nên quá tải thì tuyến phòng thủ thứ hai bắt đầu được kích hoạt. 

Miễn dịch thu được

Đây là tuyến phòng thủ thứ hai, liên quan đến việc hình thành trí nhớ với các mầm bệnh mà cơ thể đã từng tương tác để tăng cường các phản ứng một cách đặc hiệu. Miễn dịch thu được bao gồm miễn dịch dịch thể (là các kháng thể được sản xuất bởi tế bào B, thường hướng tới các mầm bệnh di chuyển tự do trong máu) và miễn dịch tế bào (là các thành phần hướng tới tế bào bị nhiễm bệnh, tiêu diệt chúng, hoặc hỗ trợ cho các tế bào tiết kháng thể).  Dựa trên cơ chế của miễn dịch thu được, chúng ta cũng có thể tạo ra sư miễn dịch chủ động. Đó là cách cho cơ thể tiếp xúc với các kháng nguyên hoặc những mầm bệnh đã bị suy yếu. Sự tiếp xúc này không làm cho chúng ta bị ốm nhưng vẫn hình thành trí nhớ miễn dịch. Bởi vậy, tác nhân gây bệnh mang các kháng nguyên này khi xâm nhập sẽ nhanh chóng bị loại bỏ bởi cơ chế bảo vệ hình thành trước đó. 

Miễn dịch thụ động

Ngoài hai hình thức trên, cơ thể còn có cơ chế miễn dịch thụ động. Đây là một hình thức “vay mượn” sự bảo vệ từ một nguồn bên ngoài cơ thể và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Ví dụ điển hình của miễn dịch thụ động là em bé nhận được các kháng thể từ mẹ qua nhau thai (trước khi sinh) và sữa mẹ (sau khi sinh). Cơ chế này giúp bảo vệ em bé khỏi một số bệnh nhiễm trùng trong những năm đầu đời. 

Rối loạn chức năng hệ miễn dịch và ứng dụng trong lâm sàng

Suy giảm miễn dịch (immune deficiency)

Suy giảm miễn dịch là sự suy giảm khả năng hình thành hệ thống phòng thủ của cơ thể, dẫn tới các bệnh nhiễm trùng nặng kéo dài, tái phát và/hoặc kéo theo các biến chứng như suy nhược nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Có hai kiểu suy giảm miễn dịch: nguyên phát và thứ phát. Suy giảm miễn dịch nguyên phát xuất hiện ngay từ khi sinh ra, thường là di truyền và tương đối hiếm. Ví dụ của rối loạn kiểu này là bệnh CVID hay còn gọi là bệnh suy giảm miễn dịch đa dạng phổ biến do đột biến gen gây ra, đặc trưng bởi mức độ immunoglobin (kháng thể) trong máu thấp. Suy giảm miễn dịch thứ phát hay suy giảm miễn dịch mắc phải xuất hiện do các yếu tố tác động từ bên ngoài như: lây nhiễm HIV, lối sống (chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt…), ô nhiễm môi trường hoặc do tác dụng phụ của phương pháp điều trị (ví dụ: hóa trị, thuốc chống thải ghép…).

suy-giam-mien-dich-mac-phai-2

Bệnh tự miễn (autoimmune disease)

Bệnh tự miễn là hiện tượng hệ thống miễn dịch tấn công cơ thể mà nó có nhiệm vụ bảo vệ. Những người mắc bệnh tự miễn là do hệ miễn dịch không thể phân biệt được kháng nguyên của bản thân với kháng nguyên ngoại lai. Các bệnh tự miễn có thể là nguyên phát như tiểu đường type 1, xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc trong những năm đầu đời. Bệnh tự miễn thứ phát xuất hiện muộn hơn do nhiều yếu tố khác nhau. Viêm khớp dạng thấp và đa xơ cứng là những ví dụ của bệnh tự miễn thứ phát. Bệnh tự miễn có thể khu trú ở mô – cơ quan nào đó như bệnh Crohn ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hoặc xảy ra ở khắp cơ thể như bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE).

Dị ứng (allergy)

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại các chất lạ vô hại (không gây bệnh tật) dẫn đến tổn thương các mô của chính cơ thể. Có nhiều chất có thể gây dị ứng tùy theo cơ địa mỗi cá nhân như một số loại thực phẩm (tôm, cua, đậu phộng…) hay một số tác nhân trong không khí (bụi, phấn hoa…). Trong các phản ứng dị ứng, cơ thể tin rằng chất gây dị ứng là nguy hiểm và ngay lập tức tạo ra kháng thể để tấn công. Điều này làm cho một vài loại tế bào miễn dịch giải phóng các tín hiệu mạnh (histamine) gây viêm và các dấu hiệu lâm sàng như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa…. Trong nhiều trường hợp dị ứng còn có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử lí kịp thời. 

Hen suyễn (asthma)

Hen suyễn là một bệnh ở đường hô hấp gây suy nhược và đôi khi là tử vong. Nó thường xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với các hạt hít vào từ không khí, dẫn đến làm dày đường thở ở bệnh nhân theo thời gian. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Trong một số trường hợp, hen suyễn là một dạng của dị ứng, tuy nhiên trong một vài trường hợp khác, hen suyễn có nguồn gốc phức tạp hơn và vẫn chưa được hiểu rõ.

Ung thư (cancer)

Ung thư là bệnh về do sự phát triển và tăng sinh bất thường của tế bào. Bệnh được xác định bởi một tập hợp các dấu hiệu, và một trong số đó là tế bào ác tính có khả năng trốn thoát sự kiểm soát của hệ miễn dịch. Trên cơ sở những nghiên cứu về đặc điểm tế bào ung thư, các nhà nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều khiển hệ thống miễn dịch, theo đó kích thích sức mạnh bẩm sinh các tế bào miễn dịch để tiêu diệt khối u (còn được gọi là liệu pháp miễn dịch). Ngoài ra các kiến thức miễn dịch học cũng đem lại những loại thuốc mới để điều trị như các thuốc điều trị đích (sử dụng các kháng thể đơn dòng gắn thuốc để tác động tới những tế bào ung thư một cách đặc hiệu) hoặc tạo ra phương thức phòng chống như vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung.

Cấy ghép mô – cơ quan (transplant)

Cấy ghép liên quan đến việc chuyển tế bào, mô hoặc cơ quan từ người cho sang người nhận. Rào cản lớn nhất đối với việc cấy ghép là hệ thống miễn dịch của người nhận ghi nhận các bộ phận được cấy ghép là ngoại lai và loại bỏ chúng (sự thải ghép). Hiểu được cơ chế, đặc điểm lâm sàng của thải ghép đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, tư vấn điều trị và nhất là phát triển các chiến lược cũng như các loại thuốc mới để kiểm soát việc cấy ghép, hạn chế nguy cơ thải ghép.

Tiêm chủng (vaccination)

Tiêm chủng là phương pháp “dạy” cơ thể nhận biết và tự bảo vệ chống lại sự lây nhiễm các mầm bệnh có hại bao gồm vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm. Vaccine chứa “bản xem trước” của một mầm bệnh cụ thể, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tự chuẩn bị trong trường hợp lây nhiễm xảy ra. Các tế bào đáp ứng với vaccine tăng sinh, vừa để tạo ra các kháng thể đặc hiệu với tác nhân kích thích đồng thời cũng để hình thành “tế bào nhớ”. Khi gặp tác nhân lây nhiễm lần thứ hai, các tế bào nhớ có thể nhanh chóng đối phó với mối đe dọa bằng cách sản xuất đủ lượng kháng thể. Một số bệnh truyền nhiễm bao gồm đậu mùa, sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao và bại liệt không còn là mối đe dọa ở nhiều nước trên thế giới do đã áp dụng thành công vaccine.

--------------------------------------------------------------------------
Để tìm hiểu thêm về kiến thức, vui lòng liên hệ với Mescells:
Văn phòng đại diện Nhật Bản: 〒175-0094 Tokyo, Itabashi ku, Narimasu 5-6-15
Hotline: 0936 588 688
Email: institute@mescells.com

Chủ đề: miễn dịch

Các tin khác

Đăng ký nhận tin 情報を受け取るために購読する