VIỆN NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TẾ BÀO 幹細胞応用研究所
0866022097

Tế bào gốc lấy từ đâu? Nguồn lấy tế bào gốc để điều trị bệnh lý và làm đẹp

Nội dung bài viết

Trong cơ thể, tế bào gốc hoạt động như hệ thống sửa chữa bên trong giúp cân bằng số lượng tế bào trong cơ thể. Tế bào gốc là tế bào nền tảng cho mọi cơ quan và mô trong cơ thể, qua quá trình phân chia và biệt hoá hình thành các tế bào chuyên hoá tạo nên các mô cơ quan thực hiện các chức năng chuyên biệt. Xuyên suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cá thể, tế bào gốc vẫn duy trì hoạt động âm thầm để thay thế các mô bị thương và các tế bào bị mất đi hàng ngày. Do đó, tế bào gốc có thể được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau như tế bào gốc từ giai đoạn phôi tiền làm tổ (phôi giai đoạn Blastoscyst), đến những tế bào gốc trong cơ thể trưởng thành như tủy xương, nhú răng, nang tóc, trong biểu mô ruột, mô mỡ, gan, não...trong những phần phụ sau quá trình sinh nở như máu hoặc mô dây rốn, nhau thai, nước ối…

Tế bào gốc có thể được tìm thấy ở nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên vì một số giới hạn đạo đức ở một số quốc gia cũng nhưng phục thuộc vào trình độ kỹ thuật mà việc sử dụng tế bào gốc trong ứng dụng lâm sàng chỉ có thể giới hạn ở một số nguồn sau:

1. Tế bào gốc từ tuỷ xương

te-bao-goc-lay-tu-dau-1

Đây là nguồn tế bào gốc được nghiên cứu sử dụng đầu tiên và nhiều nhất trong các thử nghiệm lâm sàng. Tế bào gốc tạo máu (HSCs) chiếm từ 1-4% trong tuỷ xương nhưng chúng chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ tế bào trong hệ thống tạo máu và hệ miễn dịch của cơ thể. Cấy ghép tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cell Transplantation – HSCT) có thể từ nguồn tự thân (Autologous) từ chính cơ thể của người bệnh hay từ nguồn tuỷ xương của người hiến tặng khoẻ mạnh gọi là ghép đồng loài (Allogeneic), có mức độ tương hợp mô phù hợp với người nhận. Các bệnh nhân có về rối loạn tạo máu hoặc các bệnh ung thư máu ác tính được chỉ định điều trị cấy ghép tế bào gốc tự thân hoặc đồng loài. 

Ngoài ra, tuỷ xương là nguồn cung cấp tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells – MSCs). Đây là loại tế bào gốc trưởng thành có khả năng biệt hoá tạo ra các tế bào xương, sụn và các tế bào mỡ, tế bào cơ tim, tế bào gan, tuỵ…. Chúng còn có khả năng tiết các yếu tố tác động đến hệ miễn dịch, kháng viêm, kháng quá trình chết theo chương trình, chống xơ hoá, kích thích tăng sinh mạch. Tế bào gốc trung mô (MSCs) được ứng dụng trong điều trị bệnh lý thoái hóa xương khớp, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, suy thận cấp tính, bệnh xơ gan, phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, bệnh tự miễn, bệnh mảnh ghép chống vật chủ GvHD.

2. Tế bào gốc từ mô mỡ

Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ Adipose-derived stem cells - ADSCs được thu nhận từ phân đoạn mạch nền (Stromal Vascular Fraction - SVF). Quy trình thu nhận tế bào gốc trung mô từ mô mỡ khá đơn giản, dưới tác động của dung dịch enzyme phân giải nồng độ cao giúp tách rời các tế bào trong đó có tế bào gốc trung mô. Mô mỡ tồn tại trong cơ thể với số lượng lớn, có thể thu nhận từ nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, sẵn có ở bất kỳ độ tuổi nào, quy trình thu nhận đơn giản, khả năng xâm lấn thấp nên là nguồn tế bào gốc tự thân lý tưởng.

te-bao-goc-lay-tu-dau-2
Khả năng biệt hóa của tế bào gốc trung mô

3. Tế bào gốc từ máu và mô dây rốn

Mô dây rốn, màng nhau thai và máu dây rốn là nguồn mẫu vô cùng phong phú tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô. Với quy trình thu nhận đơn giản không xâm lấn vì đây là những mô không dùng đến sau quá trình sinh nở. Các tế bào gốc thu nhận từ nguồn mô này rất tươi mới, tăng sinh cực kỳ tốt và hầu như không gây ra bất kỳ một đáp ứng miễn dịch nào cho thể người nhận. Chính vì nguồn thu nhận tế bào gốc trung mô dồi dào từ nguồn mô dây rốn mà có hơn rất nhiều nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng nguồn tế bào gốc này trong điều trị các bệnh như nhồi máu cơ tim, Alzheimer, Crohn, thải loại mô trong cấy ghép đồng loài (bệnh mảnh ghép chống vật chủ GvHD), tiểu đường tuýp 2, chấn thương cột sống…

Không giống như tế bào gốc tạo máu (HSCs) tế bào gốc trung mô (MSCs) tuy thu nhận từ những nguồn khác nhau ở những mô cơ quan khác nhau đều có thể cấy ghép cho người nhận khác nhau vì tính sinh miễn dịch kém của loại tế bào này. Các lý do khiến MSCs không kích hoạt hệ thống miễn dịch (hay tính sinh miễn dịch kém) còn thể hiện ở sự thiếu biểu hiện của các phân tử đồng kích thích CD80 và CD86 (tín hiệu cần thiết để kích hoạt các tế bào miễn dịch), không biểu hiện phân tử MHC lớp II (phức hợp tương hợp mô chính (Major histocompatibility complex – MHC lớp II) và biểu hiện thấp các phân tử MHC lớp I. 

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh vai trò điều biến hệ miễn dịch của MSC thông qua việc tiết các cytokine và các nhân tố tín hiệu quan trọng tác động đến hệ miễn dịch như Indoleamine-pyrrole 2,3-dioxygenase (IDO), Cyclooxygenase 2 (COX-2), Prostaglandin E2 (PGE2) nhân tố tác động quá trình sản xuất IL-10 của đại thực bào, ngăn chặn quá trình biệt hoá của bạch cầu đơn nhân thành tế bào tua (DCs), yếu tố biến đổi tăng trưởng beta 1 (Transforming Growth Factor β1 – TGF-β1), oxit nitric (NO), IL-6, yếu tố ức chế bệnh bạch cầu (Leukemia Inhibitory Factor – LIF). Với khả năng này, MSCs giúp ức chế phản ứng viêm quá mức của cơ thể ở những bệnh nhân mắc hội chứng bão cytokine hay một số bệnh tự miễn. 


Cơ chế điều hòa miễn dịch của tế bào gốc trung mô

Hơn nữa, MSCs còn giải phóng các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (Vascular Endothelial Growth Factor – VEGF), yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (Fibroblast growth factor – FGF) yếu tố tăng trưởng giống như insulin 1 (Insulin-like Growth Factor 1 – IGF-1), yếu tố tăng trưởng tế bào gan (Hepatocyte Growth Factor – HGF), giúp thúc đẩy tái tạo các tổ chức tổn thương, kích thích tái tạo mạch máu thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương hoặc tái tạo cấu trúc da, kích thích tăng sinh collagen ngăn ngừa lão hoá da, kích thích tế bào nang lông giúp điều trị chứng rụng tóc, hói đầu. TSG-6 từ MSCs giúp củng cố quá trình chữa lành vết thương bằng cách hạn chế sự kích hoạt đại thực bào, quá trình viêm và ngăn ngừa hình thành sẹo. 

Như vậy, với nhiều nguồn cung cấp tế bào gốc có thể từ tự thân (như tuỷ xương, máu ngoại vi hay mô mỡ) hoặc nguồn hiến tặng (như mô hoặc máu dây rốn) và một số nguồn khác như huy động từ máu ngoại vi, tuỷ răng, màng hoạt dịch đã mở ra nhiều cơ hội ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý và thẩm mỹ. 

----------------------------------------------------------------------------
Để tìm hiểu thêm về kiến thức, vui lòng liên hệ với Mescells:
Văn phòng đại diện Nhật Bản: 〒175-0094 Tokyo, Itabashi ku, Narimasu 5-6-15
Hotline: 0936 588 688
Email: institute@mescells.com

Chủ đề: tế bào gốc

Các tin khác

Đăng ký nhận tin 情報を受け取るために購読する