VIỆN NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TẾ BÀO 幹細胞応用研究所
0866022097

Sơ lược tế bào gốc và liệu pháp tế bào gốc

Nội dung bài viết

Tế bào gốc là những tế bào chưa được chuyên biệt hóa trong cơ thể. Chúng chưa hình thành những đặc điểm của các loại tế bào có chức năng cụ thể (ví dụ: tế bào cơ, tế bào da, v.v.). Hai đặc điểm để xác định “tính gốc” của tế bào đó là: khả năng tự đổi mới và khả năng phát triển thành tế bào trưởng thành có vai trò chuyên biệt. Cụ thể hơn, khi tế bào gốc phân chia, chúng tạo ra những tế bào gốc mới hoặc phát triển thành tế bào có chức năng.

Hai đặc điểm của tế bào gốc quy định chức năng của chúng trong cơ thể, đó là tái tạo và bổ sung các tế bào bị mất đi trong quá trình sống. Tế bào gốc hoạt động mạnh khi cơ thể xuất hiện các tổn thương hay bất thường. Công việc của tế bào gốc là sửa chữa những tổn thương và thay thế tế bào chết. Đó là cách tế bào gốc giữ cơ thể cân bằng và khỏe mạnh. 

lich-su-nghien-cuu-te-bao-goc

 

Nghiên cứu khoa học về tế bào gốc

Nghiên cứu tế bào gốc là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất của sinh học đương đại và ngày càng được mở rộng kết hợp với các lĩnh vực khác để tạo ra những khám phá mới. Các nghiên cứu về tế bào gốc cho phép các nhà khoa học tìm hiểu về các đặc tính thiết yếu của tế bào và điều gì làm cho chúng khác với các loại tế bào chuyên biệt. Tế bào gốc có thể được sử dụng để sàng lọc các loại thuốc mới và phát triển các hệ thống mô hình để nghiên cứu sự phát triển bình thường và xác định nguyên nhân của các dị tật bẩm sinh. Nghiên cứu về tế bào gốc còn nâng cao kiến thức về sự phát triển của cơ thể từ một tế bào đơn lẻ và cách các tế bào khỏe mạnh thay thế các tế bào bị tổn thương ở sinh vật trưởng thành. 

Nguồn tế bào gốc

Có hai nguồn tế bào gốc chính: phôi thai và mô của cơ thể trưởng thành. HIện nay các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu cách phát triển tế bào gốc từ các tế bào đã được biệt hóa, sử dụng kĩ thuật "tái lập trình" di truyền.

Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells)

Cơ thể của một người luôn có các tế bào gốc trong suốt cuộc đời để sử dụng bất cứ khi nào cần. Tế bào gốc trưởng thành tồn tại khắp cơ thể từ khi phôi thai phát triển. Các tế bào ở trạng thái không đặc hiệu, nhưng chúng có tính chuyên biệt hơn các tế bào gốc phôi. Chúng duy trì trạng thái này cho đến khi cơ thể cần cho một mục đích cụ thể nào đó, chẳng hạn như thay thế tế bào da bị mất đi hoặc tế bào cơ khi bị tổn thương. Ở một số bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như ruột và tủy xương, các tế bào gốc thường xuyên phân chia tạo ra các mô mới để duy trì và sửa chữa.

te-bao-goc-lay-tu-dau-1

Tế bào gốc có ở các loại mô khác nhau như não, tủy xương, máu và mạch máu, cơ xương, da, gan… Tuy nhiên khó xác định các tế bào gốc trong nhiều bộ phân do chúng có thể không phân chia hoặc không biệt hóa trong nhiều năm cho đến khi cơ thể triệu tập chúng để sửa chữa hoặc phát triển mô mới. 

Tế bào gốc trưởng thành có thể phân chia hoặc tự đổi mới vô thời hạn. Điều này có nghĩa là chúng có thể tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau hoặc thậm chí tái tạo hoàn toàn một mô hay một cơ quan. Sự phân chia và tái tạo này là cách vết thương trên da lành lại hoặc cách một mô – cơ quan có thể tự phục hồi sau khi bị tổn thương (ví dụ như gan). 

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng tế bào gốc trưởng thành chỉ có thể biệt hóa dựa trên mô gốc của chúng. Tuy nhiên, một số bằng chứng hiện nay cho thấy rằng chúng cũng có thể biệt hóa để trở thành các loại tế bào khác.

Tế bào gốc phôi (embryo stem cells)

lich-su-nghien-cuu-te-bao-goc-4

Khi tinh trùng thụ tinh với trứng, chúng tạo thành một tế bào duy nhất gọi là hợp tử. Hợp tử đơn bào này bắt đầu phân chia, tạo thành 2, 4, 8 tế bào, v.v. được gọi là phôi dâu, hay còn được gọi là tế bào gốc toàn năng, mỗi tế bào có thể phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh. Sau đó, trước khi làm tổ trong tử cung, các tế bào phôi dâu tiếp tục phân chia cho tới khi đạt 150 – 200 tế bào, hình thành cấu trúc gọi là phôi bào. Phôi bào gồm 2 phần: phần tế bào bên ngoài trở thành một phần của nhau thai, phần tế bào bên trong (khối nội phôi bào) phát triển thành cơ thể. Khối tế bào bên trong chứa các tế bào gốc phôi có tính vạn năng, mỗi tế bào có thể biệt hóa thành các loại tế bào trong cơ thể khi có các tín hiệu thích hợp. Tế bào gốc phôi có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào hơn tế bào gốc trưởng thành. Một số nơi, tế bào gốc phôi được lấy từ các phôi thừa của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). 

Tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells)

Té bào gốc trung mô (MSC) đến từ mô liên kết hoặc mô đệm bao quanh các cơ quan của cơ thể và các mô khác. MSC cũng có thể thu thập từ máu dây rốn hoặc mô dây rốn, bánh nhau – những phần được coi là rác thải sinh học sau quá trình sinh nở. MSC có thể được sử dụng để tạo ra các mô cơ thể mới, chẳng hạn như xương, sụn và tế bào mỡ. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, MSC đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết một loạt các vấn đề sức khỏe.

Tế bào gốc cảm ứng (induced-pluripotent stem cells)

Tế bào gốc có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ các tế bào đã được biệt hóa bằng cách thay đổi chương trình hoạt động của một số gen nhất định. Những tế bào này (iPSC) có tính chất tương tự như tế bào gốc phôi, vì vậy chúng có nhưng tiềm năng cho việc phát triển một loạt các liệu pháp trong y học. 

Nuôi cấy tế bào gốc

Để nuôi cấy tế bào gốc, các mẫu sinh phẩm được trích xuất từ mô trưởng thành hoặc phôi thai. Sau đó, những tế bào này được vào một môi trường nuôi cấy có kiểm soát, nơi chúng sẽ phân chia và tăng số lượng nhưng không bị biệt hóa. 

Tế bào gốc đang phân chia và tăng số lượng trong môi trường nuôi cấy có kiểm soát được gọi là dòng tế bào gốc. Các dòng tế bào gốc được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Chúng có thể được cung cấp các tín hiệu để biệt hóa thành những tế bào nhất định, gọi là biệt hóa có định hướng. Các dòng tế bào gốc cũng có thể được sử dụng cho mục đích điều trị một số tình trạng bệnh lí khác nhau. 

--------------------------------------------------------------------------
Để tìm hiểu thêm về kiến thức, vui lòng liên hệ với Mescells:
Văn phòng đại diện Nhật Bản: 〒175-0094 Tokyo, Itabashi ku, Narimasu 5-6-15
Hotline: 0936 588 688
Email: institute@mescells.com

Chủ đề:

Các tin khác

Đăng ký nhận tin 情報を受け取るために購読する